Visited:
Online:
HOTLINE: 024.6287.3140 - 024.6287.3150
Zalo, Viber, WhatsApp: 0822.68.68.62
Email: info@dienhoahanoi.com
Những người trồng đào dưới chân núi Ba Vì (cập nhật: 16/02/2009)
Những năm gần đây, Sơn Tây - Ba Vì bỗng nhiên được biết đến bởi một thứ vốn không phải là “đặc sản” nơi đây: hoa đào. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người ta lại thấy những cành đào phai - đào núi được chuyển về trung tâm Hà Nội. Thứ đào có một màu sắc rất riêng, “thế” rất riêng, bởi lớn lên từ đất ở chân núi Ba Vì. Nơi xứ Đoài mây trắng, đang có những con người gắn bó cả cuộc đời với cây hoa đào.

Ba Vì

Hoa đào là niềm an ủi lớn nhất cuộc đời

Ban đầu, khi đi tìm hiểu về hoa đào ở Ba Vì, tôi cứ nghĩ hoa đào có sẵn ở trong núi, người dân chỉ việc lên đó chặt đem về bán. Nhưng tôi đã nhầm, khi được anh Âu Văn Nghiêu, cán bộ kiểm lâm Ba Vì cho biết: Xung quanh chân núi Ba Vì, theo thống kê chưa đầy đủ đã có tới hơn 400 hộ trồng đào, mà người trồng đào nổi tiếng nhất là ông Ba Kha. Theo chỉ dẫn của anh, tôi tìm đến nhà ông Ba Kha - “đại gia” về cây đào của đất Ba Vì. Suốt dọc con đường nhỏ vòng quanh chân núi đi xuyên xã Vân Hòa, hầu như trong vườn của hộ dân nào cũng thấy cây đào. 

Không khó để tìm đến nhà ông Ba Kha, dù phải đi sâu vào chân núi, xuống một con dốc cao mới đến được. Cái chữ “đại gia” mà người ta gọi ông vừa đúng lại vừa sai. Bởi nơi ông đang sống chỉ là một căn nhà cấp 4 và những vật dụng đơn sơ, giản dị, như chính tính cách và con người ông. Nhưng ra đến vườn đào thì mới thấy người ta nói ông Kha là một “đại gia” về cây đào quả không sai, khi ông sở hữu tới hơn 1.000 cây đào trên mảnh đất rộng hơn 1ha. Vườn đào nằm ngay sát chân núi, ở giữa là một con suối nước chảy róc rách. Những cây đào lớn nhỏ chen nhau khoe sắc, khung cảnh như một bức tranh thủy mặc.

Ba Vì
Ông Ba Kha thăm vườn đào

Ông Ba Kha tên thật là Trần Văn Kha, sinh năm 1950, người gốc Sơn Tây. Đi bộ đội, ông Kha bị thương mất 3 ngón tay, hiện trong người ông vẫn còn một mảnh đạn.

Trở về với thương tật và hai bàn tay trắng, năm 1978, ông Kha cùng người vợ vào đây khai hoang. Ban đầu, xung quanh ông chỉ là mảnh đất đầy lau lách, hoang lặng. “Lúc đấy chỉ biết có trồng sắn, và trong đầu thì chỉ nghĩ làm sao cho thoát được cái đói, cho no cái bụng. Khó khăn gian khổ nhiều không biết bao nhiêu mà kể”. Những giọt mồ hôi của ông đã đổ xuống mảnh đất này, từng nhát cuốc đều đi cùng với nỗi ám ảnh về cái đói. Thế rồi đất cũng đã không phụ người, cây trồng xuống lên xanh, con người có thêm nghị lực để tiếp tục bám trụ trên mảnh đất cằn.

Hoa đào và ông Ba Kha như có một mối nhân duyên tiền định. Ông Kha thấy người ta trồng đào thì nghĩ mình cũng trồng được nên lấy giống về trồng. Ban đầu, ông có 5 cây ở trong vườn, cũng chỉ coi đó là trồng cho vui, để Tết đến có cành đào mà cắm lên ban thờ tổ tiên. Sau đó, ông ra chợ thấy người ta bán đào, thì lại nghĩ rằng người ta bán được thì mình cũng bán được. Ông bắt đầu san đất, vần đá, kè bậc, đánh gốc để trồng đào. Lúc này, bao nhiêu khó khăn mới lại nảy sinh, sức yếu thương tật nên ông Kha cứ cố gắng làm từng tí một, tích tiểu thành đại. Vợ chồng ông không quản ngại sương gió rét mướt, thức khuya dậy sớm. Trong câu chuyện, ông cứ liên tục nhắc đến câu “đất không phụ người”, bởi dường như ông đã gieo tất cả niềm tin và hy vọng vào đất. Hoa đào trồng ở đất núi Ba Vì là giống đào phai có màu sắc và “cái thế” rất riêng.

Vườn đào của ông hiện tại là hơn một nghìn cây, và còn được nhân ra tiếp, có lẽ đây là vườn đào phai lớn nhất cả nước. Khi mà đào bích đang ít đi, thì đào phai - đào núi lại lên ngôi, lại được người ta chuộng vì vẻ đẹp tự nhiên. Có những cây đào lâu năm, bán cả cây 7 đến 10 triệu đồng, phải thuê người đánh gốc và vận chuyển ra xe ôtô. Năm được nhiều nhất, ông Kha thu gần trăm triệu tiền bán đào. Nhưng cũng có năm rét đậm như năm ngoái, đào không nở được, cả vụ Tết thất thu chỉ được khoảng 4-5 triệu đồng. Cứ đầu tháng 12 dương lịch là có người đến đặt mua đào, và bán cho đến tận đêm 30 Tết âm lịch. Nhưng chưa năm nào ông Kha bán hết đào. Có những cây đào rất đẹp, được người ta trả giá rất cao, nhưng ông nhất định không bán. Bởi đó là những cây đào gắn bó với ông từ rất lâu, ông coi như người bạn vong niên. Điều ông tự hào nhất là đã có những cây đào trong vườn nhà ông được mang về trồng tại lăng Bác.

Nhưng hiện giờ, một dự án xây hồ chứa nước Đồng Xô đang được triển khai ở xã Vân Hòa, và nếu khởi công thì toàn bộ vườn đào của ông sẽ bị giải tỏa. Ông Kha nói: “Đấy là công trình của Nhà nước, tôi sẵn sàng ủng hộ, nhưng một chốc một lát mất đi cả cái vườn đào công sức của cuộc đời tôi thì tiếc lắm”.

Hoa đào nhập ngoại

Tiếp tục đi tìm hiểu về những người trồng đào ở Ba Vì, tôi được chỉ đến trang trại có tên là Sơn Thái. Những người dân quanh đây chỉ biết rằng có một ông nào đó đang mang cây đào lạ về trồng ở đất này. Đó là một giáo sư 62 tuổi người Đài Loan (Trung Quốc), ông Chang Woo Nang. Ông Chang đã dành cả cuộc đời mình để giảng dạy và nghiên cứu về nông nghiệp, về giống cây trồng. Sang Việt Nam, điều làm ông Chang say mê nhất là hình ảnh những người nông dân, hình ảnh những cánh đồng lúa vàng trên những chặng đường mà ông đã qua. Với mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với những người nông dân Việt Nam, năm 2002, ông Chang và một người bạn đã xây dựng một trang trại nông nghiệp, và mảnh đất ông chọn chính là Ba Vì. Đến năm 2005, ông Chang chuyển hẳn sang đây sinh sống và làm việc. Ban đầu, khu đất 46 ha chỉ là một vùng đất trống đầy sỏi đá bởi được san ra từ một quả đồi. Ông Chang và những cộng sự người Việt của mình đã phải rất vất vả, thậm chí là nhịn đói để làm việc. Giờ đây, một trang trại quy mô đã hình thành với rất nhiều các loại hoa và cây rau quả. Giáo sư Chang đã trở thành người nông dân đích thực khi hàng ngày ông tự tay chăm sóc những cây trồng trong trang trại của mình.

Ba vì
Ông Chang Woo Nang bên vườn đào của mình

Ông Chang là một người thân thiện và dễ gần với nụ cười luôn thường trực trên môi. Sống ở Việt Nam, ông Chang “mê” luôn cái Tết ở đất nước này, ông nói bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình: “Tết Việt Nam vui, hoa đào Việt Nam đẹp”. Chính cái không khí của ngày Tết, của mùa xuân Việt Nam đã khiến Giáo sư Chang nảy ra ý tưởng: đưa cây hoa anh đào Đài Loan sang Việt Nam. Ông Chang cho tôi xem những tấm ảnh chụp cây hoa anh đào ở Công viên Đài Loan. Hoa anh đào Đài Loan có bông to, nở thành từng chùm, màu sắc rực rỡ. Rồi ông nói rằng mơ ước của ông là đến một ngày nào đó, ở những công viên của Việt Nam, bên cạnh hoa đào Việt sẽ có cả hoa anh đào của Đài Loan. Ông Chang và tất cả những người công nhân của ông đều đang hy vọng Tết này, hoa anh đào sẽ nở trên đất Ba Vì. Mà với cái chất của đất và không khí nơi này, hoa anh đào Đài Loan sẽ mang một vẻ đẹp khác, tươi mới hơn.

Xuân đã về, chân núi Ba Vì lại tràn ngập sắc màu của đào, của Tết. Những người dân lại chở những cành đào phai xuống chợ, những chuyến ôtô lại tất bật mang đào rừng về phố. Còn với những người trồng đào, hoa đào là tất cả ước mơ, khát vọng của cuộc đời họ. Chính những khát vọng, ước mơ đó đã giữ cho sắc đào thắm mãi mỗi dịp Xuân về.

Điện hoa Hà Nội - Theo Quang Thái ANTD

 
Các tin đã đăng
 Rực rỡ hoa Anh Đào tại Hà Nội   (cập nhật 16/02/2009)
 Đón Valentine cùng hoa xuân SaPa   (cập nhật 16/02/2009)
 “Tự sướng” với Valentine   (cập nhật 11/02/2009)
 Vua xương rồng   (cập nhật 10/02/2009)
 Giới kinh doanh đánh cược với lễ Tình nhân   (cập nhật 09/02/2009)
 Nghề “ăn xác đào” sau Tết!   (cập nhật 07/02/2009)
 Đào, quất bị vứt chỏng chơ ra đường sau Tết   (cập nhật 07/02/2009)
 Đào muộn rung rinh chờ Rằm tháng Giêng   (cập nhật 07/02/2009)
 Qua Tết, mai vàng nở rực rỡ   (cập nhật 06/02/2009)
 Vườn thơ rực bóng mai vàng tại TP HCM   (cập nhật 06/02/2009)
0
Sản phẩm
Dịch vụ
Loài hoa
Giá tiền
Tên sản phẩm
My Yahoo: duongvansydvs@yahoo.com
Sales
My Yahoo: nguyenvanquynh1308@yahoo.com
Sales